Theo Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành, các cuộc thi trên mạng dành cho học sinh được tổ chức thời gian qua rất ý nghĩa và thiết thực, giúp các em mở mang kiến thức, nâng cao cơ hội thực hành. Tuy nhiên, sau nhiều năm tổ chức, Bộ GD&ĐT cần rà soát, nâng cấp nội dung, ngân hàng câu hỏi để đáp ứng tính chất cuộc thi.
Ông Thành cho rằng hiện tại, số lượng các cuộc thi còn nhiều và chồng chéo, không nhận được sự đồng tình của xã hội. Một số cuộc thi chủ yếu tập trung việc kiểm tra kiến thức lý thuyết đã học trong trường, còn hạn chế trong việc tạo cơ hội để các em rèn luyện, trải nghiệm, qua đó phát triển kỹ năng và hình thành năng lực học sinh.
Thời gian vừa qua, như báo chí phản ánh, có những trường hợp vì áp lực thành tích mà phụ huynh "ép" học sinh phải luyện thi. Điều này trái với tinh thần của sân chơi ở cấp phổ thông.
Vì vậy, Bộ GD&ĐT chủ trương tinh giản các cuộc thi để đảm bảo chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Giáo Dục Thời Đại. |
Cuối tháng 5/2017, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới các sở GD&ĐT, trường phổ thông trực thuộc bộ, yêu cầu tinh giảm cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông.
Trong đó, bộ yêu cầu các sở chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Theo ông Thành, sau khi rà soát, số lượng cuộc thi đã giảm mạnh.
“Hiện nay, số lượng cuộc thi mà các địa phương đề xuất tiếp tục duy trì chỉ còn khoảng 50% so với trước đây. Nội dung và hình thức thi đáp ứng yêu cầu tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, ưu tiên tổ chức hình thức thi trực tuyến”, ông Thành thông tin.
Thông tin thêm về việc năm học 2017-2018 Bộ GD&ĐT sẽ tạm dừng tổ chức thi giải Toán, Tiếng Anh trên mạng, ông Thành cho hay: "Các cuộc thi kiến thức như giải Toán, Tiếng Anh qua mạng những năm qua đã đáp ứng được yêu cầu tăng cường vận dụng kiến thức học được từ các môn trong nhà trường.
Do đã được tổ chức khá nhiều năm, chúng ta cần rà soát cả về nội dung, phương thức tổ chức để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Vì vậy, trong năm học tới, bộ tạm dừng tổ chức các cuộc thi này".
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho biết việc không sử dụng kết quả các cuộc thi trên mạng vào ưu tiên tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp không ảnh hưởng nhiều đến công tác tuyển chọn học sinh của các trường đặc thù.
Theo ông Thành, công văn của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ: "Không sử dụng kết quả của các cuộc thi do sở GD&ĐT chủ trì tổ chức và thành tích của học sinh do sở GD&ĐT cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017-2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018 - 2019".
Đối với hệ THPT, đây chỉ là nhắc lại quy định tại Thông tư số 11/TT-BGDĐT ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo đó, đối tượng được tuyển thẳng vào THPT được quy định tại khoản 1 điều 7: "Học sinh đoạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học".
Học sinh đoạt giải tại các cuộc thi do địa phương tổ chức và các cuộc thi ở ngoài nước mà địa phương đưa đi tham dự không phải là đoạt giải cấp quốc gia.
Với tuyển sinh THCS, tại Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17/3/2015 về việc không thi tuyển vào lớp 6, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở GD&ĐT chỉ đạo cơ sở giáo dục này căn cứ quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.
Như vậy, Bộ GD&ĐT cũng đã giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đầu cấp THCS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đặc thù tuyển sinh được học sinh có chất lượng theo yêu cầu riêng của trường, mà việc tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không đáp ứng được.
ViOlympic là cuộc thi giải Toán quốc gia trên Internet bằng tiếng Việt và tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc, được Bộ GD&ĐT và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức.
Qua 9 năm tổ chức, đây là sân chơi quen thuộc của các em học sinh phổ thông. Mặc dù cuộc thi mang tính chất tự nguyện nhưng không ít phụ huynh, giáo viên vì thành tích đã khiến học sinh gặp áp lực thi cử.
Nguồn tin: dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn